Ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa Đông - Xuân
Ở nước ta hiện nay trong giai đoạn vào mùa Đông - Xuân. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường nóng - lạnh trong ngày là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Ghi nhận tại một số địa phương trong nước đã xuất hiện nhiều trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm A, thậm chí cả Covid-19.
Những tháng cuối năm âm lịch khi thời tiết giao mùa là thời điểm lý tưởng để các tác nhân gây bệnh hô hấp bùng phát, lây lan mạnh mẽ. Theo Bộ Y tế, tại nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là lứa tuổi học sinh và trẻ nhỏ.
Những ngày qua, miền Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh đang trong đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp, chính vì vậy trẻ em và người già, đặc biệt là những người có bệnh nền mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là mắc cúm A gia tăng, phải nhập viện nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng.
Đối với học sinh, các bậc phụ huynh và giáo viên cần phát hiện sớm bệnh cúm A ở trẻ để cách ly, phòng tránh lây lan trong môi trường học đường. Bởi đây là môi trường tập thể, nếu không cách ly tốt rất có thể xảy ra bùng phát thành dịch diện rộng.
Cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lưu hành khi thời tiết thay đổi gây ra bởi các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Trong đó, hai chủng virus cúm A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng cao lây nhiễm sang người và tạo thành dịch thậm chí đại dịch. Thông thường, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên đối với những đối tượng nhạy cảm có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và tử vong.
Cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, buôn bán, đi lại, du lịch tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
https://baoquangninh.vn/ngan-dich-benh-bung-phat-trong-mua-dong-xuan-3275372.html
Tin tức khác
- Một số chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 10/2024
- Một số chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 11/2024
- (Nghị định số 153/2024/NĐ-CP) Quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
- Một số chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 10/2024
- (Video) Tìm hiểu một số quy định pháp luật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất