Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Ngày 05/01/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Theo Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ nêu rõ chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây:
- Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.
- Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
- Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP.
Trước ngày 20/01/2024, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh của bộ, ngành và địa phương.
Tổ chức các hoạt động truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng thời, đổi mới việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để phòng ngừa các tranh chấp về thương mại và đầu tư.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tin tức khác
- (Quyết đinh số 44/2024/QĐ-UBND) Ban hành Quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Danh mục TTHC và Quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- (Nghị định số 126/2024/NĐ-CP) Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Một số chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 10/2024
- (Quyết định số 39/2024/QĐ-UBND) Quy định về bộ đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh – Phần đơn giá bồi thường nhà, vật kiến trúc