Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Tai nạn thương tích (TNTT) rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vì các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Theo thống kê, những năm qua một số nguy cơ TNTT như ngã, bỏng, tai nạn giao thông… có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và về tình thần. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Để phòng tránh TNTT cho trẻ, trước tiên cần dạy cho trẻ hiểu: TNTT là khó tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày, điều quan trọng là chúng ta xử lý ra sao. Trẻ cần phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm. Biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như: cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi…; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu: học cách xử lý khi bị thương nhẹ, cách sơ cứu khi bị chảy máu, biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn; phòng tránh và xử lý khi bị gãy tay, chân, cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi ở nhà một mình, khi đi chơi, khi ở trường học…; phòng tránh và xử lý khi bị bỏng…​

Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, sau đây là một số biện pháp phòng tránh:

Phòng ngừa đánh nhau: Giáo dục ý thức cho các em không được xô đẩy, đánh nhau; không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, kiếm, súng cao su và các hung khí; thường xuyên quản lý, giám sát trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, giáo dục trẻ đoàn kết.

Phòng ngừa tai nạn giao thông: Tại nhà và trường học phải có cổng, hàng rào, chú ý đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường chơi; hướng dẫn các bé thực hiện luật an toàn giao thông; tuyên truyền phụ huynh không đi xe máy trong sân trường.

Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc: Bảng điện phải để cao, tuyệt đối không để bàn là, đồ đun nấu trong phòng của trẻ; luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn; để thuốc và hóa chất ngoài tầm tay với của trẻ em, không cho trẻ em tự uống thuốc.

Phòng ngã: Sân, nền nhà cần bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; không cho trẻ chơi gần những nơi không an toàn như tường nhà có nguy cơ sập xuống; cây cần có hàng rào để ngăn trẻ không cho leo trèo.

Phòng ngừa đuối nước: Trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định; khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn; không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình; ở vùng lũ, học sinh đi học qua sông suối phải có người lớn đưa và phải đảm bảo an toàn; khi đi đò, thuyền,... phải mặc áo phao bảo hộ; giếng, bể nước phải có nắp đậy an toàn.

Phòng ngừa điện giật: Luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch; hệ thống điện phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao./.   

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 145