Tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc
Bệnh Mác-bớc là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Mác-bớc (Marburg) gây ra. Đây là bệnh đặng biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus), bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ…) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Mác-bớc
Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày. Các triệu chứng khởi phát đột ngột, tùy thuộc vào lượng virus lây nhiễm và con đường lây nhiễm. Virus không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh.
Ảnh minh họa
Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt cao, đau đầu, đau họng, mệt mỏi dữ dội và đau cơ khởi phát đột ngột. Từ ngày thứ 3, tiêu chảy nước, đau bụng, nôn và buồn nôn có thể xuất hiện. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần. Triệu chứng nghiêm trọng hơn là vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan.
- Trong vòng 7 ngày đầu tình trạng xuất huyết có thể xảy ra - đây là nguyên nhân gây tử vong với nguy cơ xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau. Ngoài ra có thể ảnh hưởng đến thần kinh: sốt cao, lú lẫn, kích thích, kích động.
- Trong khoảng 15 ngày sau khởi phát bệnh nhân có thể có sẩn hồng, xuất hiện ở lưng, ngực, bụng. Tình trạng viêm tinh hoàn có thể xuất hiện ở giai đoạn này.
- Bệnh Mác-bớc có thể gây tử vong thường sau 7-8 ngày khởi phát do mất máu hay sốc.
Biện pháp phòng ngừa bệnh Mác-bớc được khuyến cáo gồm:
- Tránh tiếp xúc hoặc đến nơi cư trú của loài dơi ăn quả châu Phi, động vật hoang dã đã bị nhiễm virus như: khỉ, linh dương rừng, loài gặm nhấm.
- Không ăn, tiêu thụ thịt của động vật hoang dã.
- Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng hệ thống các ca bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với những người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus.
Ngoài ra, tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn; trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.
Để tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc, UBND thành phố Hạ Long đã có văn bản yêu cầu Phòng y tế thành phố, Trung tâm y tế thành phố theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời.
Thực hiện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh qua địa bàn thành phố, theo dõi tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày đến thành phố Hạ Long), phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh để lấy mẫu gửi Trung ương xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng.
Hướng dẫn, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị và công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến tới cộng đồng số điện thoại đường dây nóng ghi nhận thông tin dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng.
Đối với UBND các phường, xã cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực… để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Đồng thời tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế; khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Tin tức khác
- (Quyết đinh số 44/2024/QĐ-UBND) Ban hành Quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Danh mục TTHC và Quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- (Nghị định số 126/2024/NĐ-CP) Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Một số chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 10/2024
- (Quyết định số 39/2024/QĐ-UBND) Quy định về bộ đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh – Phần đơn giá bồi thường nhà, vật kiến trúc