Tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em

Tiêm chủng mở rộng là gì?

Tiêm chủng mở rộng là một trong những chiến lược/dự án cộng đồng thuộc lĩnh vực y tế được khởi động từ năm 1981, nhằm hỗ trợ tất cả người dân của một quốc gia có cơ hội tiếp cận và tiêm chủng các loại vắc xin quan trọng do Bộ Y tế khởi xướng, triển khai và thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Y tế (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Tiêm chủng mở rộng hướng đến mục tiêu tăng cường sức đề kháng xã hội, hình thành miễn dịch cộng đồng cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của các bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện. Trẻ em trong độ tuổi quy định sẽ được tiêm ngừa các loại vắc xin quan trọng, phòng các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở trẻ em và lưu hành tại Việt Nam hoàn toàn miễn phí.

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng được hình thành, phát triển và duy trì kéo dài từ năm 1981 cho đến thời điểm hiện tại 

Lợi ích của tiêm chủng mở rộng

Tiêm chủng mở rộng là một trong những dự án về y tế với quy mô quốc gia, do Bộ Y tế trực thuộc Chính phủ Việt Nam thực hiện, mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ em và sự phồn vinh của đất nước, cụ thể:

  • Bảo vệ sức khỏe của trẻ: Tiêm chủng vắc xin giúp hệ miễn dịch của trẻ sản sinh kháng thể đặc hiệu với các tác nhân gây bệnh, giúp trẻ được bảo vệ khỏi sự tấn công và gây bệnh của các tác nhân đó trong tương lai, nhất là các bệnh lý hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhờ đó, trẻ được bảo vệ sức khỏe toàn diện về cả thể chất và trí lực, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho trẻ phát triển vượt bậc trong tương lai.
  • Gây miễn dịch cộng đồng: Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng đạt mức tối ưu, sẽ tạo thành hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, khả năng lây truyền bệnh tật từ người này sang người khác bị ngăn cản do số đông dân số đã có miễn dịch, mầm bệnh không tìm được vật chủ để lây truyền. Từ đó, vừa bảo vệ gián tiếp những người yếu thế không đủ điều kiện tiêm chủng như trẻ sơ sinh, người có miễn dịch suy yếu, giảm áp lực cho hệ thống y tế, mà còn mở ra cơ hội cho quốc gia, thậm chí toàn thế giới có thể kiểm soát, loại trừ hoặc thanh toán hoàn toàn căn bệnh đó.
  • Kiến tạo nguồn lao động chất lượng cao: Được tiêm chủng vắc xin, sức khỏe của trẻ được bảo vệ, trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất và trí lực, có cơ hội được phát triển vượt bậc trong tương lai. Nhờ đó mà trẻ có thể đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.
  • Là khoản đầu tư sinh lợi nhiều nhất: Tổ chức Liên Hợp Quốc (UNICEF) khẳng định rằng, tiêm chủng vắc xin cho trẻ là một khoản đầu tư tài chính sinh ra lợi tức lớn nhất. 1 đô la đầu tư vào tiêm chủng sẽ mang lại khoảng 16 đô la tiết kiệm cho chi phí chăm sóc y tế và gia tăng năng suất kinh tế. Khi trẻ khỏe mạnh, không bị bệnh tật, ốm đau, khiếm khuyết về thể chất hay trí tuệ, phụ huynh không phải đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc để chăm sóc và điều trị y tế cho trẻ. Số ngày công nghỉ phép do bệnh tật hoặc chăm sóc trẻ cũng giảm thiểu ở mức tối đa, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả lao động và sản lượng kinh doanh. Đồng thời, hệ thống y tế quốc gia sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ những ca bệnh không lây nhiễm diễn biến nặng. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống xã hội và tăng cường an ninh y tế quốc gia.

Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm vắc xin nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng mở rộng lại Việt Nam đang cung cấp 12 loại vắc xin, bao gồm:

  1. Vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh (BCG)
  2. Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh
  3. Vắc xin SII (vắc xin 5 trong 1)
  4. Vắc xin phòng bại liệt (OPV)
  5. Vắc xin phòng bại liệt (IPV)
  6. Vắc xin phòng bệnh sởi (MVVac)
  7. Vắc xin phòng bệnh sởi – rubella (MRVac)
  8. Vắc xin tiêm nhắc bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT)
  9. Vắc xin viêm não Nhật Bản (Jevax)
  10. Vắc xin phòng tả
  11. Vắc xin thương hàn
  12. Vắc xin uốn ván

Các bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng mở rộng

Nhờ tiêm chủng mở rộng, trẻ em có cơ hội được bảo vệ sức khỏe miễn phí khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như:

  1. Viêm gan B
  2. Lao
  3. Bạch hầu
  4. Ho gà
  5. Uốn ván
  6. Bại liệt
  7. Sởi
  8. Rubella
  9. Viêm não Nhật Bản
  10. Tả
  11. Thương hàn
  12. Tiêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Tiêm phòng càng sớm theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc, biến chứng và tỷ lệ tử vong do các bệnh lý này.

Dưới đây là lịch tiêm chủng mở rộng mới nhất

STT

Tuổi của trẻ

Vắc xin sử dụng

1

Sơ sinh

Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh

Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao

2

02 tháng

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib  mũi 1 (vắc xin 5 trong 1)

Uống vắc xin bại liệt lần 1

3

03 tháng

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib  mũi 2

Uống vắc xin bại liệt lần 2

4

04 tháng

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3

Uống vắc xin bại liệt lần 3

5

09 tháng

Tiêm vắc xin sởi mũi 1

6

18 tháng

Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4

Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR)

7

Từ 12 tháng tuổi

Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1

Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1)

Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)

8

Từ 2 đến 5 tuổi

Uống vắc xin Tả 2 lần (vùng nguy cơ cao)

Uống vắc xin Tả lần 2 sau lần một 2 tuần

9

Từ 3 đến 10 tuổi

Tiêm vắc xin Thương hàn: 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao)

Trường hợp nhỡ lịch tiêm chủng

Một thực tế là, rất nhiều trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ vì cha mẹ quên lịch tiêm chủng của con hoặc trẻ bị bệnh, sốt trong ngày hẹn tiêm chủng theo lịch. Hệ quả là không ít trường hợp bé tiêm muộn, tiêm không đủ mũi vắc xin dẫn đến tình trạng vẫn có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

Theo khuyến cáo, khi phát hiện bé đã bị nhỡ lịch tiêm phòng, cha mẹ cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hướng khắc phục. Tùy theo loại bệnh truyền nhiễm, cán bộ y tế có th ể sẽ khuyên phụ huynh vẫn cho trẻ tiêm bù mũi tiêm bị nhỡ.

Chính vì vậy, một trong các lưu ý quan trọng là cha mẹ phải bám sát lịch tiêm phòng, cho trẻ đi tiêm đúng thời gian tại cơ sở y tế. Trong trường hợp những mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại phường/ xã nơi minh sinh sống đang bị thiếu/ hết vắc xin mà con mình đã đến tuổi tiêm theo lịch tiêm chủng, cha mẹ có thể chọn vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, trung tâm tiêm chủng uy tín để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh trong thời gian chờ vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Việc này hoàn toàn được các chuyên gia khuyến cáo (ngay cả với những bệnh cần tiêm phòng nhiều mũi thì việc tiêm xen kẽ vắc xin miễn phí và vắc xin dịch vụ không làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin và không ảnh hưởng đến sự an toàn tiêm chủng cho bé).

Hình ảnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 139