Xây dựng Quảng Ninh 'rộng lớn và bình yên' theo lời Bác dạy

Năm 1963, về việc đặt tên tỉnh Quảng Ninh, Bác nói: “Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững”. Tình cảm của Người dành cho là niềm tin, sức mạnh, niềm tự hào, động lực để các thế hệ người dân Quảng Ninh đoàn kết, dựng xây cho quê hương ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh may mắn được 9 lần đón Bác về thăm, cũng là nơi duy nhất được Bác cho phép dựng tượng của Bác khi Người còn sống. Hình ảnh, tư tưởng, đạo đức và tình cảm của Bác luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, mỗi người dân Quảng Ninh và cả nước nói chung.

TX Đông Triều, đô thị cửa ngõ phía Tây của tỉnh, là nơi Bác đã dừng chân trong lần cuối cùng Người về thăm tỉnh Quảng Ninh vào trưa 30 Tết Ất Tỵ năm 1965. Bác đã nghỉ tại Trường Cấp II xã Phạm Hồng Thái (nay là Trường THCS xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều). Sau này Khu Di tích lịch sử lưu niệm Bác Hồ tại Trường THCS Hồng Thái Tây đã trở thành trung tâm văn hoá phục vụ cho các hoạt động, sinh hoạt chính trị, giao lưu giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và tình cảm của nhân dân các dân tộc TX Đông Triều đối với Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là nơi để mỗi người soi lại mình trong từng suy nghĩ, trong mỗi hành động, việc làm, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với quê hương đất nước.

Cũng chính từ đó, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Đông Triều nỗ lực vươn lên. Học và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thị xã đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử; ý thức phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu; nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo trong công tác, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến thực hiện nhiệm vụ được giao, tinh thần vì tập thể, nói đi đôi với làm.

Đông Triều đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý nhà nước; xây dựng thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị loại III” trong năm 2020. Và trong thời gian gần nhất, sẽ phấn đấu xây dựng Đông Triều trở thành thành phố.

Từ cửa ngõ phía Tây của tỉnh đến mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc là TP Móng Cái đã in đậm dấu chân của Bác. Vô cùng vinh dự và tự hào, cách đây tròn  60 năm, ngày 20/2/1960, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Ninh, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái gửi đến đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ, các cháu thiếu niên và nhi đồng lời thăm hỏi, lời động viên ân tình. Bác ân cần dặn dò: “Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc, đã sẵn có truyền thống đoàn kết, nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt - Trung. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh thì làm gì cũng thành”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Thị Lệ Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái, cho biết: Khắc ghi những lời dạy ân tình, sâu sắc của Bác, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc TP Móng Cái đã nêu cao truyền thống cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, tự lực cánh sinh, cần cù, tiết kiệm, tiến hành cuộc cách mạng XHCN, xây dựng CNXH, lập được nhiều thành tựu quan trọng trong cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ một huyện biên giới nghèo, thuần nông trở thành thành phố đô thị loại II, cửa khẩu quốc tế hiện đại; vừa làm tròn sứ mệnh bảo vệ vững chắc phên dậu vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và cả nước.

TP Móng Cái là một trong 3 địa phương của tỉnh có tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất, tổng thu 5 năm (2016-2020) ước đạt trên 10.000 tỷ đồng (tăng bình quân 10,9%/năm), trong đó thu nội địa đạt trung bình 1.000 tỷ đồng/năm. Thành phố hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo thế và lực mới trong chiến lược phát triển chung của tỉnh và cả nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Móng Cái được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, 3 lần vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp (năm 2002), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2008).

Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi biên giới đến hải đảo xa xôi đều in đậm dấu chân của Bác, khắc ghi những lời dạy của Người. Tại đảo ngọc Cô Tô xinh đẹp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo luôn khắc cốt ghi tâm lời Bác căn dặn vào năm 1961 khi Bác ra thăm đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng tiến bộ”. Đặc biệt Cô Tô còn được Bác ưu ái, dành trọn tình cảm khi đồng ý cho phép dựng tượng của Người. Những lời dạy của Bác đã trở thành niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và quân dân huyện đảo phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Bằng trí tuệ, sự năng động sáng tạo của nhân dân các dân tộc huyện Cô Tô cùng sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện đảo vượt qua những khó khăn, vươn lên tỏa sáng như viên ngọc trên vùng biển Đông Bắc. Theo đồng chí Đặng Quang Ngạn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cô Tô, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện đảo đã đạt 12,72%, thu ngân sách nhà nước tăng 28%. Cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngư nghiệp, dịch vụ - du lịch, nông, lâm nghiệp. Văn hóa xã hội không ngừng phát triển, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Làm theo lời Bác dạy “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Trải qua 57 năm xây dựng và phát triển, dưới ánh sáng tư tưởng  Hồ Chí Minh, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng nhau siết chặt đội ngũ, đồng lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đổi thay cả về tầm vóc và diện mạo, dần trở thành tâm điểm của đổi mới, của dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; của tiên phong trong nhiều lĩnh vực của cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trong chuyến thăm tỉnh Quảng Ninh tháng 8/2019 khẳng định: "Mỗi lần đến Quảng Ninh, tôi lại thấy một Quảng Ninh năng động, sáng tạo, phát triển và đổi mới không ngừng. Từ đổi mới trong xây dựng Đảng đến đổi mới trong phát triển kinh tế; cải cách hành chính; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch dịch vụ; thu hút đầu tư…". Đồng chí cho rằng, đây là đại diện cho sự phát triển của Việt Nam.

Những năm qua, Quảng Ninh luôn nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế; quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập. Trên cơ sở đó tỉnh xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 3/3/2015) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Con người là vốn quý nhất, chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta”. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách về chăm lo phát triển con người. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Hằng năm, tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”.

Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, được Trung ương tin tưởng, gợi mở thí điểm nhiều chủ trương mới. Nhiều mô hình thí điểm mới được ứng dụng và đạt hiệu quả. Nổi bật như: Nhất thể hóa chức danh; hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp tỉnh; chủ động đề xuất Đề án và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh. Đặc biệt, Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong nước đề xuất và triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích (sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long).

Không chỉ tiên phong, đổi mới trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; khắc sâu lời dạy của Người, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển tải được “ham muốn tột cùng” của Bác “là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc” làm phương châm, định hướng lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh...

Quảng Ninh đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GRDP, tăng thu ngân sách. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, giai đoạn 2016-2019 là 10,9%, trong đó: Năm 2016 là 10,1%, năm 2017 là 10,2%, năm 2018 là 11,1%, năm 2019 là 12,1%; quý I/2020 ước đạt 7,2%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ. Thu ngân sách luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; cơ cấu thu có sự chuyển dịch mạnh, tăng tỷ trọng thu nội địa.

Trong những năm gần đây, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, đầu tư công - quản lý tư, BT, BOT…)…Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh đứng vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Năm 2019, Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu trong 63 tỉnh/thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 7 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phổ có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Ngành Than luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ. Sinh thời Người căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh - quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, “Xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”.

Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, sự chủ động, nỗ lực của cán bộ, đảng viên và người lao động, ngành Than đã vượt qua khó khăn, hoàn thành được mục tiêu sản xuất, kinh doanh hằng năm, đảm bảo năng lượng cho đất nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ đổi mới. Ở mọi thời điểm, ngành Than luôn khẳng định vị trí vững vàng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Từ gần 5 triệu tấn than thời điểm báo công với Bác 50 năm trước, đến nay ngành Than đã đạt sản lượng khai thác tăng gấp 7-8 lần, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Triển khai hiệu quả các chính sách, đề án trong công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, như Chương trình 135, Đề án 196, đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, giảm nghèo bền vững, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi tới hải đảo, cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên, khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo được rút ngắn đáng kể.

Quảng Ninh hiện có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không. Xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát triển, Quảng Ninh đã tìm mọi biện pháp để huy động, hợp tác công - tư, ứng ngân sách để hoàn thành dứt điểm hạ tầng giao thông huyết mạch với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Nhiều công trình động lực đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo tiền đề để đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch và hội nhập quốc tế.

Hàng loạt các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn mang đẳng cấp quốc tế, như Công viên Đại Dương; Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Ha Long Bay Resort; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC tại Hạ Long; Khu du lịch quốc tế Tuần Châu... hiện hữu trên vùng đất được ví như “Việt Nam thu nhỏ”. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều chung cư, khách sạn cao tầng mọc lên; nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ được hình thành. Đô thị Vân Đồn đang vươn mình mạnh mẽ với định hướng trở thành trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng phức hợp quy mô lớn.

Là mảnh đất địa đầu biên cương của Tổ quốc, với những tiềm năng, cơ hội nổi trội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn và liên tục đổi mới để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Những lời dạy của Bác mãi là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 152