Một số chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 8/2024

1. Thông tư số 49/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027

Ngày 16/7/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung trong đánh giá thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và các năm 2021 – 2024; xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2025 – 2027. Đối tượng áp dụng của thông tư bao gồm:

– Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội.

– Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được NSNN hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

– Các đơn vị sự nghiệp công lập.

– Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến NSNN.

Thông tư 49/2024/TT-BTC quy định nguyên tắc chung khi xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 như sau:

– Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý thuế 2019, các Luật về thuế, phí, lệ phí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách nhà nước, phù hợp với tình hình thực hiện các năm trước và thực hiện cao nhất các mục tiêu về thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025.

– Xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế – xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

– Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

– Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 8 năm 2024 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2025 – 2027. Nội dung, quy trình và thời gian lập dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2025 – 2027 được thực hiện theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Thông tư số 46/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

Ngày 09/7/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 46/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Theo đó, bổ sung quy định về thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đối với người nộp thuế là cá nhân đã đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 2 Điều 15 và Điều 18 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử; đồng thời hệ thống định danh, xác thực điện tử và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đã được kết nối, vận hành thì:

Người nộp thuế là cá nhân được sử dụng tài khoản định danh điện tử thay thế cho việc xuất trình CMND hoặc hộ chiếu/thẻ CCCD/thẻ căn cước để tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử theo các bước công việc tại điểm b.1 khoản 1 Điều 10 Thông tư 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021;

Yêu cầu kích hoạt tài khoản giao dịch điện tử cho người nộp thuế là cá nhân được gửi qua số điện thoại đã đăng ký hoặc email đã đăng ký.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 8 năm 2024. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Thông tư số 08/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: Quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông

Ngày 10/7/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 08/2024/TT-BTTTT quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông. Thông tư này quy định chi tiết khoản 3 Điều 16 và quy định điểm d khoản 3 Điều 17 Luật Viễn thông 2023 về hoạt động bán buôn trong viễn thông (sau đây gọi tắt là hoạt động bán buôn). Các dịch vụ sau không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này:

– Dịch vụ thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;

– Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet;

– Dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động bán buôn trong viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào hoạt động bán buôn trong viễn thông.

Theo đó, thỏa thuận cung cấp dịch vụ bán buôn phải Được lập thành văn bản bao gồm đầy đủ nội dung về giá, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và điều kiện, điều khoản cung cấp dịch vụ khác mà doanh nghiệp bán buôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ bán buôn cho bất kỳ doanh nghiệp mua buôn có nhu cầu thỏa thuận; Được viết rõ ràng, nhất quán và cụ thể theo đúng tên gọi của dịch vụ tương ứng để đảm bảo doanh nghiệp mua buôn chỉ mua các dịch vụ bán buôn thuộc Danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý mà họ muốn mua.

Ngoài ra, thỏa thuận cung cấp dịch vụ bán buôn bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây:

– Yêu cầu, nguyên tắc cung cấp dịch vụ;

– Quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ;

– Mô tả các dịch vụ sẽ được cung cấp, bao gồm các đặc tính kỹ thuật (gồm thông tin về cấu hình mạng khi cần thiết để sử dụng hiệu quả quyền truy cập mạng);

– Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bao gồm tối thiểu các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ đã thực hiện công bố chất lượng dịch vụ;

– Yêu cầu về vận hành và kỹ thuật mà doanh nghiệp mua buôn phải tuân thủ để đảm bảo tránh gây tổn hại cho mạng của doanh nghiệp bán buôn;

– Nội dung về kết nối viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (trong trường hợp thuê mạng);

– Điều khoản về giá và thủ tục đối soát, thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;

– Hình thức thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;

– Quy trình thực hiện khi có thay đổi (bổ sung, cắt giảm) dịch vụ;

– Giải pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin;

– Quy định về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của dữ liệu được sử dụng trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ;

– Quyền và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp mua buôn/bán buôn (nếu có);

– Quy định về quyền chấm dứt Thỏa thuận, đền bù thiệt hại trong trường hợp một trong hai bên doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong Thỏa thuận;

– Giải quyết tranh chấp, bồi thường, khiếu nại;

– Thông tin liên hệ.

Thông tư 08/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 23/8/2024.

4. Thông tư số 01/2024/TT-BNG của Bộ Ngoại giao: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Ngoại giao

Ngày 15/7/2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư 01/2024/TT-BNG quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Ngoại giao.

Thông tư quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Đối tượng áp dụng bao gồm:

– Cá nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao.

– Cá nhân, tập thể, các tổ chức trong nước, nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp cho công tác đối ngoại và ngoại giao.

Theo đó, Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đạt các tiêu chuẩn sau:

+ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

+ Chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và quy định của Bộ Ngoại giao. Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp; tích cực tham gia các phong trào thi đua.
– Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

– Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian bình xét danh hiệu thi đua. Ngoài tiêu chuẩn chung, trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt các quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thành chương trình học, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại kết quả học tập).

– Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng dưới 01 năm, chấp hành tốt các quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.

– Thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định pháp luật được tính là thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.

– Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong thời gian nhất định, việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực hiện (đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức) hoặc đơn vị mới thực hiện (đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức).

Trường hợp thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên, phải có ý kiến nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị cũ.

– Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp sau đây:

+ Có thời gian tuyển dụng dưới 06 tháng.

+ Nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BNG ).
+ Cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.

Thông tư 01/2024/TT-BNG có hiệu lực từ ngày 29/8/2024.

File đính kèm:

Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027.pdf

Thông tư 01/2024/TT-BNG quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Ngoại giao.pdf

Thông tư 08/2024/TT-BTTTT quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông.pdf

Thông tư 46/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.pdf

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 451